A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất và chế biến nông sản an toàn – hướng đi bền vững cho nông dân

Hiện nay, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đời sống được coi là giải pháp then chốt, tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động. Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tích cực triển khai, phối hợp với cơ quan chuyên môn đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ KHKT trong sản xuất và chế biến nông sản an toàn, qua đó góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên, nông dân.

Hiện nay, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đời sống được coi là giải pháp then chốt, tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động. Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tích cực triển khai, phối hợp với cơ quan chuyên môn đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ KHKT trong sản xuất và chế biến nông sản an toàn, qua đó góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên, nông dân.

Đoàn giám sát làm việc với BTV Đảng ủy xã trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đối với UBMTTQ xã Ninh An

Mô hình hiệu quả

Chúng tôi đến thăm mô hình sản xuất rau củ quả theo hướng VietGap của hộ bà Lê Thị Dung ở xã Khánh Cư vào một ngày cuối tháng 9. Đây là một trong những mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Yên Khánh. Với diện tích 5 ha, gia đình bà Dung trồng các loại rau màu trong màng kính sử dụng công nghệ của Israel. Năm 2019, Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ giống rau, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hệ thống phun tưới nước nhỏ giọt cho mô hình này theo Nghị quyết 39 của tỉnh. Cùng với việc hỗ trợ của nhà nước, gia đình đã đối ứng phần kinh phí còn lại để đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt hiện đại bằng điều khiển từ xa. Mô hình đem lại hiệu quả rõ rệt. Mỗi sào đất trồng rau an toàn trong 1 vụ sản xuất kéo dài từ 20 - 60 ngày đã mang lại thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng, cao gấp 5 – 7 lần, thậm chí cao gấp 10 lần so với trồng lúa trước đây. Hiện nay, các sản phẩm của bà như dưa lưới, cà chưa, dưa lê, dưa chuột, su hào…được Công ty xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam liên kết tiêu thụ sản phẩm. Việc ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất không những giúp cho gia đình bà giảm nhân công, chi phí lao động, tránh được những bất lợi của thời tiết mà còn tăng thu nhập do sản xuất trái vụ an toàn.

Tốt nghiệp cao đẳng ngành chăn nuôi năm 1999, ra trường anh Trần Văn Chính hội viên nông dân xã Như Hòa, huyện Kim Sơn không xin được việc, gia đình lại đang cần người chèo chống kinh tế nên anh đành cất tấm bằng vào tủ, lao vào kiếm kế sinh nhai khắp trong Nam, ngoài Bắc. Sau nhiều năm tha hương, năm 2005, anh Chính trở về quê với số vốn lận lưng nho nhỏ. “Lúc ấy, Hội Nông dân xã tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi lợn, tôi xin tham gia và xác định sẽ gắn đời mình với nghiệp chăn nuôi, sử dụng những kiến thức, kỹ thuật đã được học trong nhà trường…” - anh Chính kể. Nhận được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền, năm 2011, vợ chồng anh dốc sức, vốn liếng xây dựng trang trại đa canh ở khu cánh đồng chiêm trũng. Anh Chính chia sẻ: "Hội Nông dân rất quan tâm tới mô hình của tôi. Hội đã cho tôi vay 50 triệu đồng Quỹ Hỗ trợ nông dân để thêm vốn đầu tư ban đầu…”. Trang trại chăn nuôi lợn thịt xuất phát điểm chỉ có 70m2, sau khi mở rộng đã nuôi 30 con lợn nái, 60 con lợn thịt. Năm đầu tiên chăn nuôi tại cơ sở mới, anh Chính có doanh thu gần 1 tỷ đồng. Mô hình trang trại hiện đang áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như chuồng nuôi khép kín, có hệ thống làm mát về mùa hè, sưởi ấm về mùa đông, hệ thống quạt thông gió, xử lý chất thải đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh môi trường. Anh Chính cho biết, 3 năm nay, sau khi trừ chi phí, trang trại có lãi hơn 2 tỷ đồng, trong đó phần lớn đến từ chăn nuôi lợn. Hiện nay, trang trại đa canh của anh Chính đã được mở rộng lên 1,3ha, bao gồm hệ thống chuồng trại nuôi hàng nghìn con lợn/năm và hệ thống ao nuôi cá, vườn trồng cây ăn quả, rau màu…

Không chỉ gia đình bà Dung, anh Chính mà những năm gần đây, việc nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất ngày càng phổ biến. Nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng ứng dụng giống mới, công nghệ cao đem lại thu nhập kinh tế cao hơn trên một đơn vị canh tác như mô hình nuôi tôm công nghệ cao - ứng dụng công nghệ Biofloc của gia đình ông Lê Ngọc Quyết tại thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn; mô hình nuôi trai lấy ngọc vùng nước ngọt của anh Đinh Văn Việt xã Khánh Lợi, huyện Yên Khánh; mô hình nuôi gà đẻ trứng ứng dụng CNC của hộ ông Nguyễn Văn Diện xã Ninh Hòa, Huyện Hoa Lư; mô hình trồng lúa hữu cơ ứng dụng phun thuốc trừ sâu bằng máy bay không người lái tại xã Khánh Cường, huyện Yên Khánh chỉ với 3 giờ đồng hồ phun được diện tích 11,6ha lúa bằng 60 công lao động…

Những kết quả nổi bật

Nhằm giúp hội viên tiếp cận và áp dụng tiến bộ KHKT trong sản xuất và chế biến nông sản an toàn, những năm qua, Hội Nông dân tỉnh luôn bám sát cơ sở, nắm bắt nhu cầu của hội viên để có biện pháp hỗ trợ cụ thể theo hướng “cầm tay chỉ việc”, từ đó giúp hội viên, nông dân tiếp cận KHKT, nhân rộng những mô hình hay, cách làm tốt để học tập và làm theo. Hội cũng phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn; thăm quan, học tập kinh nghiệm ở các mô hình sản xuất trong và ngoài tỉnh.

5 năm qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tập huấn chuyển giao KHKT cho hơn 425.138 lượt hội viên, nông dân tham gia. Năm 2019, 2020 Hội tổ chức cho hội viên đi thăm quan, học tập kinh nghiệm chuyển giao tiến bộ KHKT trong sản xuất và chế biến nông sản an toàn tại các tỉnh Miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị; Miền Tây như Cà Mau, Bạc Liêu; các tỉnh miền núi như Hòa Bình, Lai Châu…

Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; nâng cao giá trị sản phẩm. Nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã, chi Hội nghề nghiệp, tổ Hội nghề nghiệp. Toàn tỉnh thành lập được 236 tổ hợp tác, phối hợp thành lập 53 hợp tác xã. Đặc biệt, Hội tích cực xây dựng các mô hình hỗ trợ nông dân, tiêu biểu như mô hình Hợp tác xã thủy sản Sông Đằng tại xã Yên Đồng, huyện Yên Mô; hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn Khánh Thành, huyện Yên Khánh; tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi hươu và lấy nhung tại xã Cúc Phương, huyện Nho Quan … Theo đó, hội viên, nông dân được tập huấn KHKT, hỗ trợ phân bón, vật tư nông nghiệp, tem nhãn mác truy xuất nguồn gốc… nhằm thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ nông sản.

Nhờ đẩy mạnh hỗ trợ hội viên ứng dụng KHKT, công nghệ vào sản xuất, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Qua đó, góp phần giúp Hội Nông dân triển khai có hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Hiện toàn tỉnh có 27.238 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Hội đã giúp được 4.593 hội viên, nông dân thoát nghèo./.

Lê Bích, Hội Nông dân tỉnh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tin tiêu điểm
Website liên kết
Bình chọn
noData
Không có dữ liệu
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 31
Hôm qua : 122
Tháng 05 : 1.021
Năm 2024 : 10.739