A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ninh Bình: Hội Nông dân các cấp tham gia hòa giải ở cơ sở

Xác định hoạt động hòa giải ở cơ sở là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng, vừa mang tính nhân văn, vừa mang tính pháp lý. Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tập trung hướng mạnh về cơ sở, nâng cao vai trò của các cấp Hội trong việc giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp. Qua đó, tạo tinh thần đoàn kết trong hội viên nông dân, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Xác định hoạt động hòa giải ở cơ sở là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng, vừa mang tính nhân văn, vừa mang tính pháp lý. Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tập trung hướng mạnh về cơ sở, nâng cao vai trò của các cấp Hội trong việc giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp. Qua đó, tạo tinh thần đoàn kết trong hội viên nông dân, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Hòa giải viên cơ sở giỏi

Văn Hải là một xã phía nam của huyện Kim Sơn, với tỷ lệ hộ nông dân người công giáo chiếm 70% tổng số hộ hội viên toàn xã. Chia sẻ với chúng tôi ông Vũ Văn Trường - Chủ tịch Hội Nông dân xã Văn Hải cho biết: “Người dân Văn Hải chủ yếu là làm nông nghiệp và buôn bán nên tình hình an ninh ở địa phương chúng tôi tương đối ổn định. Nhưng thỉnh thoảng vẫn có một vài phát sinh mâu thuẫn vì con gà, mớ rau, hay xung đột về đường làng, ngõ xóm.... Mỗi khi có tranh chấp tổ hòa giải chúng tôi thường xuống tận nhà hoặc mời các hộ lên nhà văn hóa xã để tổ chức hòa giải”.

Với kinh nghiệm gần chục năm tham gia tổ hòa giải tại cơ sở với rất nhiều khó khăn và vướng mắc. Ông Trường cho biết là một cán bộ Hội lại tham gia làm hòa giải viên. Xác định đứng trước nhân dân phải nắm rõ luật thì mới phân xử đúng được vì vậy ông đã chủ động nghiên cứu các tài liệu về pháp luật như Luật Đất đai năm 2013, Bộ Luật dân sự năm 2015, Luật thừa kế, các tài liệu hướng dẫn về nghiệp vụ hòa giải và trên cơ sở tình cảm, đạo lý để cùng các thành viên trong tổ hòa giải đưa ra những lý lẽ, dẫn chứng thuyết phục các bên nhằm thỏa mãn ý chí nguyện vọng của các bên, đi đến thống nhất, hòa hợp, không còn mẫu thuẫn. Bên cạnh đó, bản thân người cán bộ Hội cũng phải là một người có lối sống trong sạch, có niềm tin với hội viên, ông Trường cho biết thêm.

Vụ việc gần đây nhất là hộ ông H.V.Hưng (đã đổi tên) và hộ ông L.V.Minh (đã đổi tên) xảy ra mâu thuẫn do ông Hưng xây hàng rào ngăn cách giữa 2 nhà nhưng ông Minh cho rằng ông Hưng đang xây trên đất nhà mình và đề nghị ông Hưng phá bỏ. Vì vậy, 2 bên xảy ra tranh chấp và xích mích. Tổ hòa giải do ông Vũ Văn Trường làm trưởng đoàn đã mời 2 hộ lên nhà văn hóa thôn để hòa giải. Tổ đã hỗ trợ 2 hộ về pháp lý, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, phân tích, giảng giải những được và mất để 2 hộ hiểu hơn và cùng có hướng giải quyết hợp lý. Nhờ đó, mâu thuẫn giữa hai gia đình dần được hóa giải, bảo đảm tình làng, nghĩa xóm trên cơ sở tuân thủ pháp luật.

Các cấp Hội tập trung hướng mạnh về cơ sở

Năm qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tổ chức 2500 buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật cho trên 300.000 lượt HVND; trợ giúp pháp lý cho 92 lượt hội viên nông dân phản ánh, kiến nghị; tham gia các buổi tiếp công dân, các cấp Hội phối hợp tham gia giải quyết đơn, thư khiếu nại, hòa giải thành công 242 vụ mâu thuẫn trong nông dân,  thành lập mới 02 CLB nông dân với pháp luật, duy trì củng cố hoạt động 143 Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật trên địa bàn toàn tỉnh.

Thời gian qua, các cấp Hội còn phối hợp tổ chức, tham gia trên 20 hội thi như“nông dân tìm hiểu pháp luật”, hội thi “hòa giải viên giỏi”, “tuyên truyền viên pháp luật giỏi” với những nội dung phong phú, đa dạng và sinh động thu hút đông đảo hội viên tham gia. Thông qua các hội thi, những nội dung pháp luật được truyền tải đến các đối tượng một cách ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, tránh được sự cứng nhắc, khô khan. Đối tượng của hội thi rất rộng rãi, tiếp nhận các kiến thức pháp luật hoàn toàn chủ động, qua đó khả năng áp dụng pháp luật của hội viên được nâng cao. góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Đặc biệt, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng thành công mô hình điểm Hội Nông dân tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của nông dân gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tham gia giám sát và phản biện xã hội tại phường Ninh Phong (TPNB). Mô hình điểm được triển khai với nhiều nội dung ý nghĩa, thiết thực: Tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ công tác hòa giải, giải quyết KNTC cho các nhóm cộng tác viên, hòa giải viên; tuyên truyền học tập pháp luật cho hội viên, nông dân trong phường; tuyên truyền pháp luật trên hệ thống Đài truyền thanh phường. Đặc biệt Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật tổ chức sinh hoạt thường xuyên nhằm phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, việc thực hiện pháp lệnh dân chủ ở cơ sở… Hội Nông dân phường Ninh Phong đã tham gia hòa giải 10 vụ mâu thuẫn trong nội bộ nông dân, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật nhằm giảm bớt khiếu kiện của nông dân. Tiêu biểu như hòa giải thành công vụ tranh chấp thừa kế tài sản (phố Phong Đoài), vụ mâu thuẫn gia đình (phố Tương Lai), vụ mâu thuẫn tranh chấp cây cối hoa màu (phố Đoàn Kết)…

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 1.692 tổ hòa giải cơ sở với tổng cộng 10.580 hòa giải viên. Trong đó, có gần 2000 người là cán bộ Hội Nông dân cơ sở. Hoạt động hiệu quả của các tổ hòa giải cơ sở đã góp phần đảm bảo an ninh, trật tự ở địa phương; giúp hạn chế tình trạng khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp; làm thắt chặt tình làng, nghĩa xóm…

Việc cán bộ Hội Nông dân các cấp tham gia làm hòa giải viên tại cơ sở góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hội viên nông dân, tăng uy tín của tổ chức Hội.

Thời gian tới, để công tác hòa giải ở cơ sở đạt kết quả cao hơn nữa, góp phần đưa pháp luật hòa giải vào cuộc sống, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh sẽ tăng cường phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức hội viên nông dân về vị trí, vai trò và ý nghĩa quan trọng của công tác này, từ đó sử dụng ngày càng nhiều biện pháp hòa giải để giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng; giữ gìn sự đoàn kết nội bộ trong nhân dân nói chung và hội viên nông dân nói riêng, góp phần giảm thiểu các vụ, việc tranh chấp, khiếu nại; đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân, tạo sự đồng thuận, ổn định, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Qua đó, ngày càng khẳng định vị trị, vai trò của tổ chức Hội.

Lê Bích

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tin tiêu điểm
Website liên kết
Bình chọn
noData
Không có dữ liệu
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 38
Hôm qua : 68
Tháng 05 : 558
Năm 2024 : 10.276