A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người tâm huyết với sự nghiệp Khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập

Ngày dự Lễ ra mắt Quỹ Khuyến học Hồng Đức của xã Khánh Thiện (ngày 19/5/2017), có một nhà sư được mời lên diễn đàn phát biểu, khiến cho cả hội trường hào hứng và ấn tượng. Đó là một trong những nhà sáng lập Quỹ, Thượng tọa Thích Minh Quang, Phó Ban Trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình, ủy viên Ban Chấp hành Hội Khuyến học tỉnh. Sự trưởng thành của Thượng tọa gắn liền với nhiều kỉ niệm thân thương trên mảnh đất Khánh Thiện anh hùng. Các bác trong Hội Khuyến học xã cho biết, năm nào Thượng tọa cũng về quê làm Khuyến học. Những chuyến đi tham quan, ngoại khóa mỗi năm cho hơn hai trăm cháu học sinh tiểu học và THCS của xã đều do Thượng toạ tài trợ. Hoạt động của những chuyến đi ấy, ngoài tham quan các di tích, danh lam, thắng cảnh quê hương, còn có những buổi nói chuyện chuyên đề về lòng nhân đức, tình yêu thương cha mẹ, lẽ hiếu đễ của đạo làm con, rất bổ ích cho các cháu.

Ngày dự Lễ ra mắt Quỹ Khuyến học Hồng Đức của xã Khánh Thiện (ngày 19/5/2017), có một nhà sư được mời lên diễn đàn phát biểu, khiến cho cả hội trường hào hứng và ấn tượng. Đó là một trong những nhà sáng lập Quỹ, Thượng tọa Thích Minh Quang, Phó Ban Trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình, ủy viên Ban Chấp hành Hội Khuyến học tỉnh. Sự trưởng thành của Thượng tọa gắn liền với nhiều kỉ niệm thân thương trên mảnh đất Khánh Thiện anh hùng. Các bác trong Hội Khuyến học xã cho biết, năm nào Thượng tọa cũng về quê làm Khuyến học. Những chuyến đi tham quan, ngoại khóa mỗi năm cho hơn hai trăm cháu học sinh tiểu học và THCS của xã đều do Thượng toạ tài trợ. Hoạt động của những chuyến đi ấy, ngoài tham quan các di tích, danh lam, thắng cảnh quê hương, còn có những buổi nói chuyện chuyên đề về lòng nhân đức, tình yêu thương cha mẹ, lẽ hiếu đễ của đạo làm con, rất bổ ích cho các cháu.

Trên diễn đàn, không văn bản cầm tay, lời Thượng tọa chân tình, sâu sắc. Người cắt nghĩa, lấy tên Quỹ Khuyến học là Hồng Đức, nghĩa là Đức lớn. Xét về cội nguồn, cha ông ta đã thường dạy: Hiền tài là nguyên khí của Quốc gia. Người có tài phải là người hiền (Đức lớn) thì mới có ích cho xã hội. Sự ra mắt quỹ Khuyến học, khuyến tài là để chăm sóc hiền tài vì lợi ích trăm năm như Bác Hồ đã dạy. Theo Thượng tọa, đây là việc làm có ý nghĩa bền lâu và Quỹ Khuyến học của chúng ta phải đạt từ 1 đến 2 tỷ. Trong dòng cảm xúc dồi dào, Thượng tọa đã hát bài Về quê (không đệm đàn). Với chất giọng mượt mà, chuyên nghiệp, Người nhấn nhá, luyến láy hai câu kết của bài hát: “Nơi bền lâu là nơi lắng sâu, thiếu quê hương, ta về đâu?”. Dừng hát, Thượng tọa nói thêm: Cái lắng sâu đó là cái tình, cái nghĩa mong sao cho quê hương ngày càng phát triển, dấu ấn để lại hàng trăm năm sau…

Thượng toạ chưa kịp rời diễn đàn, một người phụ nữ nhỏ nhắn, bước nhanh tới trước micro; chị nói ngắn gọn: Lời đức Thượng tọa nói chí tình, chí lí; là Phật tử con xin ủng hộ tiếp cho Quỹ 100 triệu đồng nữa. Tiếng vỗ tay vang rộn sân trường. Đây là phu nhân của ông Phạm Duy Tân. Vậy là tổng cộng, gia đình ông Phạm Duy Tân đã ủng hộ Quỹ KH, KT Hồng Đức 600 triệu đồng. Một doanh nghiệp nhỏ mà ủng hộ 600 triệu quả là không nhỏ. Dòng người tiếp tục tiến lên lễ đài phát tâm, sung Quỹ… Con số tạm dừng ở mức 826 triệu đồng. Động cơ nào mà họ ủng hộ vô tư, nếu không phải là nghĩa tình máu thịt, ruột già với quê hương. Và đúng như lời của Thượng tọa, chỉ sau một năm, Quỹ đã đạt số dư trên 1 tỷ đồng.

Thượng tọa cũng là người khởi xướng, phối hợp với Hội Khuyến học tỉnh tổ chức hoạt động Khai bút Khuyến học đầu xuân từ năm 2013, nay đã thành nền nếp. Hoạt động chỉ diễn ra trong một buổi sáng đầu xuân, nhưng số lượng nhân dân, giáo viên và học sinh khu vực thành phố Ninh Bình đến dự khá đông. Số tiền mà những người đến xin chữ tự giác ủng hộ, chỉ tính từ năm 2015 đến nay là 80.500.000 đồng. Số tiền này Thượng tọa đã ủng hộ vào Quỹ Khuyến học Trương Hán Siêu. Điều quan trọng là sau khi tặng cho các cháu chữ Tâm, Hiếu, Đức, Chí, Dũng, Nghĩa, Nhân... Thượng tọa cắt nghĩa để các cháu hiểu. Sau đó là mấy câu cách ngôn: Nói lời hay; Làm việc tốt; Giữ tâm thiện để treo trong lớp, hằng ngày các cháu đọc và làm theo. Đứng trước các cháu, Thượng tọa nói nhỏ nhẹ như khuyên nhủ, như vỗ về: “Trong số các cháu ở đây có một số là học sinh của trường THCS Trương Hán Siêu. Hôm nay chúng ta đứng trước đền thờ cụ Trương, các cháu phải tự hào mình là người con của quê hương Ninh Bình. Là con cháu của cụ Trương Hán Siêu, cần phải học thật giỏi, phấn đấu thực hiện thật tốt 5 điều Bác Hồ đã dạy. Hôm nay thầy tặng các cháu mấy chữ: Nói lời hay; Làm việc tốt. Giữ tâm thiện; các cháu có thực hiện được không?

Có ạ! Tất cả các cháu đồng thanh trả lời. Gương mặt cháu nào cũng rạng ngời niềm vui như hoa đào buổi sáng xuân.

Là Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam, Thượng tọa đã cùng Ban Lãnh đạo Học viện làm tốt chức năng nhiệm vụ giáo dục, đào tạo Tăng Ni có kiến thức và đức hạnh để tịnh tiến tu tập, đảm nhận trọng trách truyền bá Phật pháp, phục vụ lợi ích nhân sinh, đạo pháp và dân tộc.

Thượng tọa còn phối hợp với Tỉnh Đoàn tổ chức Chương trình “Ngày chủ nhật xanh hướng nguyện” tại chùa Bái Đính với chủ đề “Thanh niên Ninh Bình hành động vì môi trường du lịch xanh”; tham gia giao lưu và chia sẻ về “Văn hóa đọc và triết lý sống Cho và Nhận của nhà Phật” với trên 2000 em học sinh THCS; giao lưu và thuyết giảng với chủ đề “Sống có trách nhiệm” cho gần 5000 em học sinh, phụ huynh và thầy cô của một số trường PTTH trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Tổ chức Khoá tu “Một ngày an lạc” cho hơn 100 em học sinh Học kỳ Quân đội tại chùa Bái Đính ngày 25/6/2018; Lớp học tiếng Anh miễn phí cho 50 em học sinh trên địa bàn xã Gia Sinh tại chùa Bái Đính... Hằng năm đều mở các khóa tu, mỗi khoá tu đã thu hút hàng nghìn thanh thiếu niên tham dự.

Trong các khóa tu, các cháu đến với cửa Phật có đủ các hoàn cảnh, cuộc sống khác nhau. Có cháu con nhà nông dân, vốn sống tự do buông thả, nên chưa quen sinh hoạt tập thể. Có cháu con nhà khá giả, khi đến chùa còn mang theo đồ ăn, chế độ sinh hoạt từ gia đình, sống khép kín... Nhà chùa vừa quản lý vừa giáo dục, rèn rũa các cháu. Mãn khóa, các cháu biết sống đoàn kết, hòa đồng; hăng hái tham gia lao động sản xuất; trật tự và nền nếp trong sinh hoạt thường ngày. Có cháu lúc đền trường thân thể béo phì, thiếu cân đối, sau một thời gian ngắn rèn luyện, sinh hoạt hợp lý người trở nên gọn gàng, khỏe mạnh, hoạt bát. Vui nhất là sau khóa tu, các cháu đều ngoan, đoàn kết thương yêu nhau, biết hợp tác trong mọi công việc; kính trọng ông bà, cha mẹ và người lớn tuổi; có kỹ năng sống thuần thục. Các gia đình lên đón con về rất vui mừng, mãn nguyện...

Trong những năm qua, Thượng tọa cùng tập thể Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình thực hiện tốt Phật sự và các công tác xã hội với phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”. Hưởng ứng các các cuộc vận động, các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; phong trào Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập…, góp phần xây dựng quê hương Ninh Bình ngày một phát triển, giàu đẹp, văn minh.

Tiếp chuyện các cán bộ Hội Khuyến học tỉnh ngày 06/5/2020, Thượng tọa cởi mở, nhiệt tình nói về khát vọng xây dựng một xã hội học tập, dự án khuyến khích hoạt động khuyến đọc:

“Giáo dục thế hệ trẻ, con em chúng ta không chỉ là trách nhiệm của nhà   trường, xã hội mà còn là trách nhiệm các tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng. Bởi vì các em là tương lai của đất nước, của dân tộc. Các em sống tốt, làm việc tốt giúp ích cho gia đình, xã hội trong đó mình cũng được hưởng. Tôi có duyên may được đi học nước ngoài, được tiếp xúc với bạn bè quốc tế biết được đất nước người ta phát triển, kinh tế giàu mạnh là do có sự chăm sóc chu đáo cho Giáo dục-Đào tạo. Mà chăm lo cho sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo là chăm lo cho tương lai của dân tộc. Hai nhiệm kỳ được tham gia BCH Hội Khuyến học, tôi thấy Hội Khuyến học làm được rất nhiều việc. Là người xuất gia, tôi cũng muốn góp một phần vào sự nghiệp này. Đặc biệt, năm tới tôi muốn đầu tư tổ chức Khai bút đầu xuân hoành tráng, hiệu quả hơn. Cần phát động phong trào học tập suốt đời, trọng chữ nghĩa, ham đọc sách. Tôi tuy bận nhiều về phật sự, nhưng vẫn luôn luôn quan tâm tới việc giáo dục thế hệ trẻ. Trong các khóa tu tôi luôn chú trọng giáo dục các em, khuyến khích các Tăng Ni chăm chỉ đọc sách, học thuộc lòng những chỗ cần thiết có thể. Có học thuộc lòng thì mới ứng dụng vào thực tiễn được.

Xã hội phát triển cần có Khoa học kỹ thuật, Văn học nghệ thuật, Y thuật, Học thuật... nhưng Nhân thuật là quan trọng nhất. Nếu quan tâm vấn đề giáo dục con người - Nhân thuật thì đất nước sẽ phát triển, quê hương mới yên ổn, giàu mạnh.

Sắp tới tôi sẽ xây dựng phòng đọc hoặc thư viện trong khuôn viên chùa. Thư viện sẽ là một nơi yên tĩnh, mát mẻ, có máy điểu hòa. Người đọc được phục vụ cơm chay miễn phí. Người dân, cán bộ, các em đến chùa không chỉ để cầu nguyện, thỉnh xin mà là nơi tĩnh tâm, nghiên cứu, sáng tạo. Hội Khuyến học cần quan tâm động viên, phát triển, xây dựng văn hóa đọc trong nhân dân. Thời đại hiện nay có nhiều phương tiện, công nghệ hiện đại, nhưng những thông tin trên mạng và các phương tiện khác chỉ thoảng qua, mau quên. Nên chúng ta khuyến khích, động viên, xây dựng văn hóa đọc, đặc biệt trong giới trẻ. Học thì phải đọc. Các nước văn minh dù có nhiều phương tiện thông tin họ vẫn duy trì đọc sách. Nếu khơi dậy được văn hóa đọc, mọi người mới thấy hết giá trị của tri thức.

...Thư viện phải có nhiều sách, mở và động viên bà con tới đọc. Ở các chùa cũng nên có thư viện. “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, gần sách vở thì con người sẽ thay đổi sáng sủa hơn.

Một đất nước, dân tộc muốn phát triển bền vững lâu đời phải chú trọng Văn hóa - Giáo dục. Chú trọng phát triển kinh tế là rất cần thiết, nhưng nếu không chăm lo cho giáo dục, không có văn hóa thì tự con người sẽ phá hủy các giá trị kinh tế và văn hóa. Tôi nghĩ đầu tư cho cho giáo dục, cho giới trẻ là khoản đầu tư đem lại lợi ích vô giá. Bởi vì các em là tương lai của đất nước, của dân tộc”.

Tiếp lời Thượng tọa, Lãnh đạo Hội khuyến học tỉnh cảm ơn những tâm huyết,  và hoạt động cống hiến của Thượng tọa đối với công tác Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội trong thời gian qua. Hội sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng Thượng tọa tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa, đẩy mạnh phong trào Khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở tỉnh ta phát triển không ngừng, góp phần vào chấn hưng Giáo dục, sự phát triển của quê hương, đất nước./.

Đỗ Văn Chuyến, Hội Khuyến học tỉnh NB

 

 

 

 

 

 

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tin tiêu điểm
Website liên kết
Bình chọn
noData
Không có dữ liệu
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội
Thống kê truy cập
Hôm nay : 104
Hôm qua : 122
Tháng 05 : 1.094
Năm 2024 : 10.812